
Vắc xin cúm là “lá chắn” phòng bệnh rất cần thiết với trẻ em và quan trọng với người lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra làn sóng tái bùng phát trên toàn cầu. Vậy có bao nhiêu loại vắc xin cúm hiện nay? Cần lưu ý gì trước khi tiêm phòng cúm?…
Vắc xin cúm là loại vắc xin phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm. Tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm mang lại những lợi ích to lớn, giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.
Vắc xin cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2-3 tuần. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus (trung hòa virus) khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu có bị mắc.. Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác, đó là lý do tại sao công thức vắc xin phòng cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành và việc
tiêm nhắc lại vắc xin cúm hằng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất.


Vì sao nên tiêm phòng cúm mùa
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm cúm mùa cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người trên thế giới, với khoảng 10 triệu ca nhập viện.
Nhìn về quá khứ, đại dịch cúm H1N1 (năm 1918) gây ra 500.000 – 700.000 trường hợp ca tử vong tại Hoa Kỳ, trong đó khoảng 200.000 trường hợp xảy ra chỉ riêng vào tháng 10 năm 1918 – và ước tính khoảng 30-40 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, đa số xảy ra ở tuổi 15-35. Tiếp đó, đại dịch cúm H2N2 năm 1957 (cúm châu Á) cướp đi sinh mạng khoảng 70.000 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ và khoảng 1-2 triệu người trên toàn thế giới. Đại dịch cúm H3N2 năm 1968 (cúm Hồng Kông) đã khiến 34.000 người tử vong tại Hoa Kỳ và khoảng 1 triệu cái chết trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, cúm mùa gây ra gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn, trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, số ca mắc thường gia tăng mạnh vào các thời điểm giao mùa. Đặc biệt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, nhiễm trùng tai, co giật,…. và những hệ lụy không ngờ như đau tim, đột quỵ,…
Giữa bối cảnh Covid-19 đang tạo nên sức ép khủng khiếp lên hệ thống y tế khi số ca mắc và tử vong tăng liên tục, thì nỗi lo “đồng nhiễm” cúm và COVID-19 gây nên gánh nặng “kép” cho hệ thống y tế toàn cầu. Nghiên cứu trên 75.000 bệnh nhân COVID-19 của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu cho thấy, những người đã được chích ngừa cúm có thể được bảo vệ khỏi biến chứng nghiêm trọng, giảm tỷ lệ nhập viện và ít chăm sóc y tế khẩn cấp (ICU) do COVID-19. Do vậy, tiêm vacxin phòng cúm là rất quan trọng, cần thiết cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là khi vắc xin phòng Covid-19 chưa có sẵn và chưa đủ để bao phủ cộng đồng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch,
vắc xin cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.


Nên tiêm phòng cúm vào thời điểm nào, tháng mấy trong năm?
Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới nên virus cúm (cả virus cúm Nam bán cầu và cúm Bắc bán cầu) có thể xuất hiện quanh năm. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm, có xu hướng gia tăng vào mùa đông – xuân. Do vậy, thời điểm thích hợp tiêm vắc xin cúm là khoảng 2 tuần – 1 tháng trước khi vào mùa dịch vì sau khi tiêm, cơ thể cần 2 tuần để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm.
Đồng thời, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động tiêm ngừa cúm vào những thời điểm nhạy cảm về dịch bệnh, đặc biệt khi Covid-19 lây lan nhanh và gây hoang mang trong cộng đồng. Việc tiêm ngừa cúm là không có tác động phòng bệnh COVID-19, nhưng lại giúp tăng cường hệ miễn dịch, tạo miễn dịch bẩm sinh không đặc hiệu mang lại sự bảo vệ bổ sung, giảm nguy cơ nhập viện, biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 gây ra. Quan trọng, các triệu chứng của bệnh cúm có rất nhiều điểm tương đồng với COVID-19 như sốt, sổ mũi, ho,…
Chủng ngừa vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp giảm nhầm lẫn triệu chứng của COVID-19 và cúm mùa để điều trị bệnh kịp thời, giảm thiểu sự quá tải cho các cơ sở y tế.
Thông tin liên hệ:
PHÒNG TIÊM CHỦNG ĐẠI HỌC Y "An toàn - Chu đáo - Tin cậy"
Cơ sở 1: số 1 Tôn Thất Tùng, Q.Đống Đa, Hà Nội.

Cở sở 2: số 35 Lê Văn Thiêm, Q.Thanh Xuân, Hà Nội

Thời gian: - Từ thứ 2 - Sáng chủ nhật hàng tuần
- Sáng : 8h - 11h30 - Chiều : 13h30 - 16h30

Fanpage:
https://www.facebook.com/phongtiemchungdhy https://www.facebook.com/phongtiemchungdhycoso2
Hotline: 02462597231 / 0868098399