Chỉ định, chống chỉ định tiêm chủng vắc xin Astrazeneca

  • 08/08/2021
Chỉ định, chống chỉ định:

Tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho một số nhóm đối tượng đặc biệt:

  • Nhóm người từ 65 tuổi trở lên: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19 nặng và tử vong tỷ lệ thuận với tuổi nên được xác định là nhóm đối tượng nguy cơ. Tuy nhiên, dữ liệu an toàn và hiệu quả của vắc xin COVID-19 AstraZeneca trên người từ 65 tuổi trở lên còn hạn chế.
  • Nhóm người mắc bệnh nền: Người có bệnh nền, bệnh mãn tính là đối tượng có nguy cơ nhiễm và mắc COVID-19 nặng. Tuy nhiên, tiêm vắc xin khi bệnh đã ổn định.
  • Nhóm người phụ nữ mang thai: Khuyến cáo tiêm chủng nếu lợi ích của việc tiêm phòng đối với phụ nữ mang thai vượt trội hơn các rủi ro tiềm ẩn của vắc xin, chẳng hạn như họ là nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng. Không khuyến cáo phải thử thai trước khi tiêm chủng.
  • Nhóm người phụ nữ cho con bú: Tiêm vắc xin nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ như nhân viên y tế. Không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.
  • Nhóm người bị HIV: Có thể tiêm vắc xin nếu đối tượng thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, cân nhắc đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ đối với từng cá nhân. Không cần thiết phải xét nghiệm HIV trước khi tiêm vắc xin.
  • Nhóm người bị suy giảm miễn dịch: Có thể tiêm vắc xin nếu họ thuộc nhóm nguy cơ, các thông tin, hồ sơ về suy giảm miễn dịch cần được cung cấp cho nhân viên y tế để tư vấn về lợi ích và rủi do cũng như theo dõi, đánh giá sau tiêm chủng.
  • Nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó: có triệu chứng hay không có triệu chứng đều có thể tiêm vắc xin sau 6 tháng khỏi bệnh.
  • Nhóm người mắc COVID-19 cấp tính: Không tiêm chủng cho những người đang mắc bệnh được xét nghiệm chẩn đoán dương tính bằng phương pháp PCR. Những người này có thể được chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.
  • Nhóm người có tiền sử sử dụng kháng thể kháng COVID-19 điều trị trước đó: Việc tiêm chủng vắc xin được khuyến cáo tiêm ít nhất sau 90 ngày điều trị kháng thể kháng COVID-19.
Chống chỉ định:
  • Có tiền sử phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc xin COVID-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2.
  • Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc xin sau đây: L-Histidine; L-Histidine hydrochloride monohydrate; Magie clorua hexahydrat; Polysorbate 80; Etanol; Sucrose; Natri clorua; Dinatri edetat dihydrat;.
Tiêm chủng đồng thời cùng các vắc xin khác:
  • Chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vắc xin COVID-19 Astrazeneca với vắc xin phòng COVID-19 khác. Khuyến cáo tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vắc xin phòng COVID-19.
  • Nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh khác.
Kết luận
1) Chỉ định tiêm vắc xin: Khi đủ điều kiện sức khỏe, không có điểm bất thường cần hoãn tiêm hoặc chống chỉ định
+ Mũi 1: Tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
+ Mũi 2: từ 4 tuần trở lên sau mũi 1.
2) Chống chỉ định tiêm chủng với các trường hợp:
+ Có tiền sử phản ứng nặng hoặc phản vệ độ 2 trở lên sau lần tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2.
+ Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc xin.
3) Tạm hoãn tiêm chủng
+ Đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển.
+ Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
+ Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.
+ Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
+ Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
+ Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19.
+ Tiền sử tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước.
+ Người trên 65 tuổi.
+ Người giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
4) Các đối tượng cần được khám sàng lọc và tiêm chủng trong bệnh viện:
+ Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
+ Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định.
+ Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
+ Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
 • Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút
 • Huyết áp: Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg
 • Huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg
 • Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có)

Nguồn: Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng covid-19, Chương trình Tiêm chủng Quốc gia