(TP HCM), cho biết chế độ ăn cho người mắc Covid-19 chủ yếu là giúp tăng sức đề kháng. Một số trường hợp người bệnh sẽ bị mất khứu giác, vị giác, do đó cần phải động viên chăm sóc thêm về tâm lý.
Thực phẩm dễ tiêu hóa cho trẻ
ThS-BS Mai Quang Huỳnh Mai, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết khi trẻ nhập viện điều trị sẽ được các BS thăm khám để xác định trẻ có bị bệnh nền hay không, cân nặng bao nhiêu, ở độ tuổi nào từ đó có khẩu phần ăn phù hợp.
Nhân viên Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) chuẩn bị suất ăn cho bệnh nhân. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Trẻ điều trị Covid-19 sẽ có chế độ ăn tương thích tùy theo lứa tuổi, nếu trẻ đang ăn dặm sẽ là những thức ăn mềm như cháo, sữa, nui... Trẻ lớn hơn, ở lứa tuổi tiểu học thì sẽ dùng thức ăn gần giống như của người lớn. Quan trọng là phải bảo đảm đủ năng lượng cho trẻ, chú trọng các loại vitamin và khoáng chất. Bệnh nhi mắc Covid-19 chủ yếu điều trị theo triệu chứng. Chỉ những trường hợp có tổn thương đặc hiệu cần phải can thiệp, lúc này ngoài phần điều trị thì trẻ sẽ có chế độ dinh dưỡng đặc biệt riêng.
BS Huỳnh Mai cho biết trẻ nhiễm siêu vi thông thường nói chung, mắc Covid-19 nói riêng, cũng đều phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng nhằm giúp trẻ chống chọi với bệnh tật. Hiện tại thời tiết đang nóng nực nên cần bảo đảm cung cấp cho trẻ đủ nước (uống nước đã đun sôi để nguội, nước cam, nước chanh). Trong khẩu phần ăn cần tăng cường rau xanh, trái cây (bơ, chuối, các loại rau lá xanh...)
"Hiện đa số trẻ đang điều trị tại đơn vị điều trị Covid-19 ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều có sức khỏe ổn định. Sau khi xuất viện, nếu trẻ không có tổn thương gì do Covid- 19 (sẽ được BS tư vấn riêng) thì coi như là một trường hợp bệnh nhiễm siêu vi, vì Covid-19 cũng là siêu vi. Do đó, chế độ dinh dưỡng sau khi trẻ xuất viện không có gì đặc biệt mà chỉ cần ăn uống bình thường đầy đủ chất với các thực phẩm dễ tiêu hóa như cơm, cháo, thịt gà, yaourt, ngũ cốc..." - BS Huỳnh Mai thông tin.
Không được bỏ bữa
Theo BS Lê Thị Mỹ Châu, bệnh nhân mắc Covid-19 hiện có nhiều dạng từ nhẹ (có thể tự ăn uống được) đến nặng (phải thở máy và ăn uống qua ống thông dạ dày). Chuẩn dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc Covid-19 chủ yếu là nâng cao thể trạng và tăng cường miễn dịch. Đối với bệnh nhân có thể tự ăn uống được thì khẩu phần ăn sẽ chú trọng những thực phẩm giúp làm tăng sức đề kháng của cơ thể (các loại vitamin C, kẽm, chất đạm).
Riêng với những bệnh nhân mắc bệnh nền thì phải tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng của bệnh nền đó. Với những người bị rối loạn chuyển hóa mắc bệnh đái tháo đường sẽ phải giảm các chất bột đường hoặc giảm muối đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp. "Trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nền thì phải dựa vào chỉ số BMI kèm theo những xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chế độ ăn cụ thể phù hợp" - BS Mỹ Châu cho biết.
Một số trường hợp mắc Covid-19 sẽ có triệu chứng mất khứu giác, vị giác, do đó với các bệnh nhân này, cần phải động viên thêm về tâm lý. Phải giải thích cho người bệnh hiểu đây cũng chỉ là một triệu chứng không quá nguy hiểm, không cần quá lo lắng. Triệu chứng mất khứu giác và vị giác chỉ là tạm thời nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, làm cho người bệnh ăn uống kém, mất ngon.
"Không nên chỉ vì những triệu chứng này mà từ chối bữa ăn vì như vậy sẽ không đủ năng lượng cung cấp cho những hoạt động của cơ thể. Động viên người bệnh không được bỏ bữa, cố gắng ăn, có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, chuẩn bị món ăn có màu sắc đa dạng giúp tăng cường cảm giác hấp dẫn, muốn ăn, bổ sung chất cay vào món ăn để tăng cảm giác của vị giác, khuyến khích người bệnh ăn những món ăn mà mình yêu thích" - BS Mỹ Châu tư vấn.