CHUẨN ĐẦU RA NGÀNH TÂM LÝ HỌC
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên ngành đào tạo:
- Tên tiếng Việt: Ngành Tâm lý học
- Mã ngành: 7310401
- Tên tiếng Anh: Psychology
2. Trình độ đào tạo: Đại học
3. Loại hình đào tạo: Chính quy
4. Khoá học áp dụng: Từ khoá 2024
5. Thời gian đào tạo(dự kiến): 04 năm
6. Tổng số tín chỉ/khoá: 127 tín chỉ
II. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO CỦA CHƯƠNG TRÌNH (Program Educational Objectives – PEOs)
2.1. Mục tiêu chung
Đào tạo cử nhân ngành Tâm lý học có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức và kỹ năng cơ bản về Tâm lý học nói chung và các khoa học cơ sở ngành, liên ngành và các lĩnh vực chuyên ngành nói riêng, trên cơ sở đó, vận dụng vào thực tiễn giúp cá nhân, nhóm cũng như cộng đồng giải quyết những vấn đề tâm lý ở các lứa tuổi, chuyên biệt cho từng lĩnh vực chuyên ngành, có tư duy phản biện, năng lực nghiên cứu khoa học, làm việc nhóm, tham gia đào tạo và tự đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội và thực hành nghề nghiệp.
2.2. Mục tiêu cụ thể
MT1. Vận dụng được các kiến thức cơ bản về Khoa học xã hội, Y học, Tâm lý học và các lĩnh vực chuyên ngành, các khoa học liên ngành để giải thích các hiện tượng tâm lý.
MT2. Nhận diện, phân tích đánh giá từ đó xây dựng và triển khai các can thiệp tâm lý phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.
MT3. Thực hiện được các kỹ năng tham vấn, trị liệu cơ bản đối với một số vấn đề tâm lý cho cá nhân và nhóm.
MT4. Tham gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tâm lý và sức khỏe.
MT5. Tuân thủ các quy định về đạo đức, pháp luật trong thực hành nghề nghiệp, khả năng làm việc độc lập, giao tiếp, hợp tác nhóm hiệu quả; có ý thức phát triển nghề nghiệp, học tập liên tục để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.
III. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (Program Learning Outcomes – PLOs)
3.1. Kiến thức
PLO1: Vận dụng được các kiến thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy tắc đạo đức trong thực hành nghề nghiệp
PLO2: Vận dụng các kiến thức về khoa học xã hội, y học cơ sở, nhân học, môi trường để nhận diện, phân tích và giải thích về sự nảy sinh, hình thành và phát triển các hiện tượng tâm lý trong bối cảnh xã hội khác nhau.
PLO3: Áp dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của Tâm lý học phát triển, Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tham vấn để giải quyết các vấn đề tâm lý và nâng cao sức khỏe.
PLO4: Vận dụng được các kiến thức về thống kê tin học, các phương pháp nghiên cứu Tâm lý học trong việc thu thập xử lý thông tin và lý giải, phân tích các vấn đề tâm lý nảy sinh trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
3.2. Về kỹ năng
PLO5: Phân tích các yếu tố môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến các vấn đề tâm lý thường gặp ở cá nhân, nhóm xã hội và cộng đồng.
PLO6: Phát hiện, đánh giá các vấn đề tâm lý cho các cá nhân/nhóm/cộng đồng.
PLO7: Xây dựng và triển khai các chương trình sàng lọc, can thiệp sớm cho các cá nhân, nhóm đối tượng khác nhau.
PLO8: Thực hiện được một số kỹ thuật tham vấn/trị liệu tâm lý cơ bản cho cá nhân, nhóm.
PLO9: Tham gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Tâm lý và sức khỏe
PL10: Sử dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiệu quả trong thực hành nghề nghiệp.
PLO11: Đáp ứng trình độ ngoại ngữ theo quy định trong Khung trình độ Quốc gia.
3.3. Mức tự chủ và trách nhiệm
PLO12. Tuân thủ các quy định pháp luật, đạo đức nghề tâm lý trong quá trình thực hiện vai trò, nhiệm vụ của một nhân viên tâm lý chuyên nghiệp.
PLO13. Có khả năng tư duy phản biện, giao tiếp hiệu quả trong các môi trường nhau, kỹ năng làm việc độc lập và chuyên nghiệp, làm việc nhóm hiệu quả.
PLO14. Chủ động học tập suốt đời, tự định hướng và phát triển chuyên môn nghề nghiệp và tham gia các hoạt động đào tạo.