Ngày 24 tháng 9 năm 2024, Viện Đào tạo Y học Dự phòng & Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội đã chủ trì tổ chức Hội thảo Tổng kết kết quả năm thứ nhất triển khai mạng lưới tại cộng đồng trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng – Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ).
Tham dự Hội thảo, về phía CDC Hoa Kỳ, có sự tham gia của Bà Asia Nguyễn - Cố vấn Y tế của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
Về phía Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, có sự tham gia của PGS.TS.BS. Lê Thị Thanh Xuân - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng nhóm kỹ thuật cấu phần Tăng cường hệ thống y tế.
Cùng các đại biểu đến từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, tỉnh An Giang, Thành phố Cần Thơ; các đại biểu đến từ các phòng khám thân thiện của giai đoạn 2 (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đống Đa, OPC Bệnh viện A, OPC TTYT Thành phố Thái Nguyên), TTYT Quận Long Biên; 3 phòng khám tham gia mô hình QI (Phòng khám Hải Đăng, Phòng khám SHP, Phòng khám 125 Thái Thịnh); và các đại biểu đến từ các tổ chức cộng đồng tại An Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Cần Thơ.
Cấu phần Tăng cường hệ thống y tế (HSS) thuộc Dự án “Nâng cao năng lực đánh giá chương trình và tăng cường hệ thống y tế hỗ trợ cho công tác dự phòng điều trị và chăm sóc HIV ở Việt Nam” giai đoạn 2018-2023 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và góp phần nâng cao năng lực của Hệ thống y tế nước nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai nhưng dự án đã đạt được rất nhiều kết quả ấn tượng như triển khai hoạt động học viện học tập, triển khai 5 gói sáng kiến của 5 tổ chức cộng đồng, tổ chức các buổi webinar trực tuyến đa dạng về chủ đề trong phát triển tổ chức và năng lực chuyên môn cho cộng đồng đích, xây dựng các tài liệu y tế chuyên biệt cho cộng đồng, thí điểm mô hình QI tại cơ sở y tế tư nhân nhằm mục tiêu thúc đẩy công bằng y tế cho cộng đồng đích tại Việt Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về kiến thức HIV, K=K, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng đích và hỗ trợ các không gian thúc đẩy cho việc thiết kế chương trình HIV/AIDS và sức khoẻ toàn diện cho cộng đồng.
Trong giai đoạn mới 2023-2028, Dự án “Thực hiện các sáng kiến đổi mới, tạo ra các mô hình dựa trên bằng chứng cho Chương trình HIV và Y tế công cộng quốc gia và tăng cường các phương pháp thực hành tốt nhất nhằm kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam” (gọi tắt là IMPACT Vietnam) chính thức được triển khai. Cấu phần Tăng cường hệ thống y tế là một hoạt động trong dự án hoạt động với mục tiêu nâng cao năng lực của nhân viên y tế (những người cung cấp dịch vụ HIV và nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với cộng đồng đích, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế bền vững.
Tại buổi hội thảo, Bà Asia Nguyễn, Cố vấn Y tế của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có những chia sẻ về Chiến lược và mục tiêu PEPFAR giai đoạn 2024-2028. Bà khẳng định, để đạt được mục tiêu vào năm 2030 cần phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ sở cung cấp dịch vụ HIV, sự tham gia của cộng đồng dẫn dắt với mục tiêu cải tiến chất lượng, lấy con người làm trung tâm.
Hội thảo đã trải qua 3 phiên thảo luận độc lập để trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để hệ thống y tế cung cấp các dịch vụ y tế thân thiện với cộng đồng đích” dưới góc nhìn của các cơ sở y tế và các tổ chức cộng đồng. Buổi thảo luận đã gợi mở rất nhiều ý tưởng có ý nghĩa đóng góp cho dự án trong giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS.BS. Lê Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bộ Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các đơn vị này đã góp phần quan trọng trong việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, và tăng cường hệ thống y tế tại Việt Nam.